Nhằm góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ, trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, tiềm năng 100 triệu USD đến từ các vùng chuyên canh lúa nhờ bán tín chỉ hiện là cơ hội chí mùi.
Chính thức phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Chiều ngày 27/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Đề án sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của đề án, đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững…
Về tổ chức sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.
Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%, 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.
Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Trồng lúa không chỉ lấy gạo, mà còn bán tín chỉ carbon
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ quan điểm của Đề án: Xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao không có nghĩa là quy hoạch cố định về mặt địa điểm diện tích lúa được phân bổ cụ thể cho từng tỉnh.
Có thể thấy, sản xuất theo hướng giảm phát thải khí CO2 không chỉ phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, mà quan trọng hơn đây sẽ là cơ hội để nông dân Việt Nam bán tín chỉ khí CO2 nhờ vào việc canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam gọi cho biết, việc tính đến chuyện bán tín chỉ CO2 thông qua đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam hiện là cơ hội chín muồi.
"Nếu chúng ta áp dụng công nghệ 1 phải 5 giảm thì cứ trung bình 1 hecta, chúng ta sẽ giảm được 8 tấn CO2 tương đương trong một năm. Nếu mở rộng ra toàn ĐBSCL thì giảm khoảng 10 triệu tấn CO2 tương đương trong một năm. Con số này là khá lớn và đóng góp quan trọng vào việc mua bán khí carbon", ông Cao Thăng Bình, cho biết.
Một tín chỉ carbon tương đương với quyền phát thải 1 tấn CO2. Với mức giá khoảng 10 USD/tín chỉ, con số ĐBSCL có thể thu được trong một năm lên đến cả trăm triệu USD. Đây là câu chuyện không xa.
"Theo dự kiến của Ngân hàng Thế giới với Bộ NN&PTNT, khoảng đầu năm 2024 chúng ta có thể cấp chứng chỉ đầu tiên cho những nông dân tham gia VnSAT và hy vọng dòng tiền từ việc mua bán tín chỉ carbon sẽ đến với nông dân ĐBSCL từ năm 2024", ông Bình Nhấn mạnh.