3 Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, mở đường cho xuất khẩu 3 mặt hàng: dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hôm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết 3 Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, mở đường cho xuất khẩu 3 mặt hàng này.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc có thể đạt 400 - 500 triệu USD ngay trong năm nay, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu rất lớn, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD. Cá sấu là sản phẩm thứ ba trong danh sách ký kết, tạo động lực ngành nuôi cá sấu phát triển bền vững.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 trên thế giới về sản xuất dừa. Vì vậy, việc ký được Nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho nhiều địa phương. Mỗi năm, Trung Quốc có nhu cầu khoảng 4 tỷ trái dừa để ăn tươi và chế biến. Trong khi đó, sản lượng dừa của nước này mới chỉ đáp ứng được 10%. Điều này cho thấy cơ hội là rất lớn. Để trái dừa có thể xuất khẩu chính ngạch, thì cả bà con và các doanh nghiệp đều đã sẵn sàng.
Dừa tươi Bến Tre sẵn sàng để xuất khẩu chính ngạch sag Trung Quốc
Từ khi nhận thông tin trái dừa tươi sẽ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, doanh nghiệp đã điều chỉnh, bổ sung quy trình tại nhà đóng gói. Trái dừa tươi từ vùng nguyên liệu sẽ phải trải qua 5 bước, trước khi đóng gói thành phẩm để xuất khẩu.
Ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Mekong chia sẻ: "Lâu nay sản xuất qui trình nó cũng xem xem với các yêu cầu của đối tác Trung Quốc, nên tôi nghĩ câu chuyện xây dựng mã số nhà máy cũng không đến nỗi khó khăn. Tuy nhiên cũng có một số điều chỉnh cho nó phù hợp với yêu cầu của Trung Quốc".
Còn với doanh nghiệp này, do đã có kinh nghiệm xuất khẩu dừa tươi sang châu Âu nên không quá khó để đáp ứng các yêu cầu về vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói từ phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường tỉ dân cũng có nhiều phân khúc để các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa lợi thế.
"Người ta cũng sử dụng dừa lai, nhiều trái to và nhiều nước, có những nơi ở Bắc Kinh thì dùng dừa xiêm xanh, ngọt nước, tiêu chuẩn là gọt dừa kim cương", chị Phan Thị Son - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dừa Hào Quang chia sẻ.
Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: "Xây dựng bằng được vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị. Trong đó tổ chức liên kết giữa người dân, các tổ hợp tác liên kết với nhau để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu".
Hiện các địa phương trồng dừa đang rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Để xuất khẩu dừa sang Trung Quốc thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nông trại dừa hữu cơ. Chỉ riêng Bến Tre đã có hơn 7.000 hecta dừa đạt chứng nhận này. Năm 2024, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỉ đôla.
Nguồn: Báo VTV1