Sau khi lập đỉnh vào tháng 4/2022, cung cầu thị trường phân bón thế giới sẽ cân bằng và giá cả sẽ bình ổn trở lại hay vẫn tiếp tục neo cao?
1. Giá đạm urê thế giới ổn định
Theo Hiệp hội phân bón thế giới (IFA), công suất thiết kế các nhà máy phân đạm urê trên toàn cầu là 216 triệu tấn, trung bình vận hành ở tải 80% là 172 triệu tấn tương ứng với nhu cầu hàng năm. Năm 2021 ghi nhận công suất trung bình đạt 78,6% đây là mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ do việc gián đoạn nguồn cung năng lượng trong năm 2021 và việc đóng cửa một số nhà máy phân urê ở châu Âu do thiếu nguyên liệu, thiếu lao động và máy móc thiết bị sửa chữa vì ảnh hưởng của dịch COVID 19.
Cùng đó, nhu cầu urê cũng giảm nhẹ do giá phân bón tăng nhanh hơn giá bán nông sản, ngoài ra biến đổi khí hậu cũng góp phần làm giảm diện tích canh tác ở nhiều khu vực.
Tại Hội nghị IFA năm nay, các dự báo ghi nhận năm 2023 nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ hồi phục nhẹ, ở mức 1,2%-1,9%. Nguyên nhân chính là sau đại dịch, sản xuất nông nghiệp đã tăng trở lại. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lương thực do xung đột Nga-Ukraine khiến nhiều quốc gia sẽ phải gia tăng diện tích canh tác để tự túc lương thực thay vì nhập khẩu như trước đây.
Hiện nay, giá đạm urê tại khu vực đã giảm từ 800$ xuống còn 620$/tấn (giá FOB) nhưng kali, DAP vẫn xoay quanh mức 950-1.000$/tấn FOB là rất cao so với khả năng chi trả của nông dân hiện tại. Dự báo trong thời gian tới giá DAP, kali sẽ giảm mạnh còn giá urê sẽ ổn định xoay quanh mức giá 600$/tấn FOB. Giá urê sẽ khó có thể giảm thêm do giá thành sản xuất tại hầu hết các khu vực đều đã tăng so với năm 2021. Đến nay, các quốc gia châu Âu và Mỹ Latinh vẫn đang phải nhập khẩu urê ở mức 740$/tấn (giá CFR). Mức giá này thậm chí được cho là thấp hơn giá thành sản xuất urê tại châu Âu.
2. Trong nước dư cung đạm urê và giá ổn định
Theo ông Phùng Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), nhu cầu phân bón cả nước khoảng 11 triệu tấn/năm bao gồm cả phân vô cơ và hữu cơ. Hiện năng lực sản xuất của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn, còn lại nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn. Trong đó, với phân đạm urê, Việt Nam có 4 nhà máy là đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau, đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình với tổng công suất khoảng 2,65 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu trong nước chỉ khoảng từ 1,8-2 triệu tấn/năm.
Riêng với phân đạm urê, ngay cả trong điều kiện nông dân nhiều tỉnh thành không bỏ vụ ba như hiện nay thì Việt Nam vẫn dư thừa hơn 500 nghìn tấn/năm. Vì vậy, đây chính là cơ hội cho các nhà máy sản xuất urê trong nước đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, giảm tồn kho. Thực tế, một số thương hiệu phân đạm urê trong nước như đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu tại một số thị trường khó tính như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Australia.
Thị trường phân bón trong nước những ngày qua ghi nhận giá một số loại phân bón có dấu hiệu ổn định hoặc đi ngang, thậm chí giảm nhiệt nhẹ. Nhất là giá urê đã giảm khoảng 5% so với cùng kỳ tháng trước. Ghi nhận ngày 28/6, giá phân urê Ninh Bình dao động khoảng 17.000đồng/kg, urê Hà Bắc: 17.000đồng/kg; urê hạt đục Brunei 17.500đồng/kg, urê hạt đục Malaysia: 17.500đồng/kg.
Nhận định về thị trường phân bón từ nay đến cuối năm, ông Phùng Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho rằng, từ đầu năm 2022, giá urê trên toàn thế giới có dấu hiệu giảm dần trong tháng Ba, tăng nhẹ trở lại vào tháng Tư và tháng Năm. Cụ thể giá đạm urê bình quân tháng 1/2022 là 18,7 triệu đồng/tấn, tháng 2 là 16,25 triệu đồng/tấn, tháng 3 là 14,16 triệu đồng/tấn, tháng 4 là 16,7 triệu đồng/tấn, tháng 5 là 16,45 triệu đồng/tấn.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu đầu vào tăng quá cao. So với thời điểm này năm ngoái, giá một số loại nguyên liệu đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần. Vì vậy, việc áp thuế xuất khẩu để tăng nguồn cung cho thị trường trong nước với những loại phân bón đã dư cung chưa phải là giải pháp hiệu quả để hạ nhiệt giá phân bón, thậm chí còn khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước doanh nghiệp nước ngoài bởi phân bón cùng chủng loại nhập khẩu về Việt Nam không bị đánh thuế nhập khẩu nhưng phân bón xuất khẩu từ Việt Nam sẽ bị áp 5%, ông Hà cho biết.
Đối với ngành sản xuất phân bón trong nước hiện không được ưu đãi gì từ giá than, giá điện, các chính sách về thuế phí. Nếu lập luận việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón thì sẽ hạ nhiệt được giá bán trong nước thì không hợp lý. Yếu tố hạ giá hay không là do giá đầu vào của nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất chứ không nằm ở chỗ hạn chế xuất khẩu. Theo cập nhật mới nhất của FAV, với giá phân bón tăng cao trong khi giá nông sản không tăng tương ứng nên nông dân bỏ ruộng hoặc giảm bón phân nên nhu cầu giảm 30-40% so với bình thường.
Thực tế là để giảm giá thành sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đều phải tối đa hóa công suất. Vì vậy, việc áp thuế xuất khẩu để giữ lại lượng phân bón trong bối cảnh thị trường trong nước dư cung sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Nguồn: Mekong trích từ báo Vietnamplus