Năm 2023 có thể nói là một năm khởi sắc của thị trường tín chỉ Carbon ở Việt Nam khi liên tục nhận được những tin vui. Vốn là "mặt hàng" đầy tiềm năng và hứa hẹn đem về nguồn doanh thu 250 triệu đô mỗi năm, thị trường tín chỉ Carbon nếu diễn ra suôn sẻ sẽ cải thiện thu nhập của người dân Việt Nam, đặc biệt là nông dân.
Những chủ đề "nóng" như bảng giá tín chỉ Carbon hiện tại, tiềm năng tín chỉ Carbon ở các diện tích canh tác lúa, sàn giao dịch tín chỉ Carbon đầu tiên ở Việt Nam,... đều có trong bài viết này. Mời bà con cùng đọc!
Hiện tại, bảng giá mua bán tín chỉ Carbon được chia thành 3 nhóm chính (Theo Golden Standard):
- Trồng và bảo vệ tài nguyên rừng với giá bán 9.77 USD/đơn vị tín chỉ.
- Sử dụng năng lượng tái tạo (pin năng lượng mặt trời, tuabin gió,...) với giá bán 9.67 USD/đơn vị tín chỉ.
- Sử dụng tiết kiệm tài nguyên (đất, nước,...) với giá bán 14.87 USD/đơn vị tín chỉ.
1. Việt Nam thu 41 triệu USD đầu tiên nhờ bán tín chỉ Carbon rừng
ERPA là thỏa thuận về chuyển nhượng Tín chỉ Carbon trong giai đoạn 2018 - 2024 của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với Ngân hàng thế giới (WB), đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đại diện. Với việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho WB với giá 5 USD/tấn, nước ta thu về 51,5 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã nhận được trên 41 triệu USD, tương đương 80% tổng kinh phí.
Bên cạnh đó, thời gian tới sẽ Thỏa thuận về chuyển nhượng Carbon rừng giữa Emergent/LEAF với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ dưới sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành dự án tín chỉ Carbon thành công tiếp theo của Việt Nam. Theo ước tính, thương vụ này sẽ đem về khoảng 51 triệu USD.
2. Tiềm năng 100 triệu USD đến từ các vùng chuyên canh lúa nhờ bán tín chỉ
Không chỉ là các diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm hoặc trồng rừng mới có thể tích trữ Carbon . Ngân hàng Thế giới ước tính nếu vựa lúa lớn nhất nước ta - Đồng bằng Sông Cửu Long hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao có thể tích trữ được 10 triệu tấn Carbon, thu về khoảng 100 triệu USD.
Riêng tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký phấn đấu đạt diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 là 70.000 ha và đến năm 2030 là 163.000 ha.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thông qua những thỏa thuận với WB thì việc chi trả tín chỉ Carbon sẽ diễn ra trong năm 2024 cho các diện tích lúa thực hiện VnSAT đảm bảo sản xuất giảm phát thải khí nhà kính (1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng + rút nước giữa vụ).
Khi quá trình mua bán trên diễn suôn sẻ, ngoài doanh thu đạt được thì nước ta còn hướng tới nâng tầm chất lượng hạt lúa và hoàn thành cam kết đã ký cùng với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) trong việc giảm phát thải khí Metan (CH4) toàn cầu. Theo cam kết, đến năm 2030 nước ta đặt mục tiêu giảm 30% tổng lượng phát thải khí CH4 - đây là một loại khí phát thải đặc biệt nhiều từ nông nghiệp, nhất là gieo trồng lúa nước.
3. Sàn giao dịch tín chỉ Carbon đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 29/9 vừa qua, Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN đã chính thức được ra mắt. Sàn giao dịch này được kỳ vọng sẽ cung cấp thông tin tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam về cách thức xây dựng dự án tín chỉ carbon, cách thức đăng ký, kiểm định, xác nhận cùng các cơ chế trao đổi, đền bù, vay tín dụng đối với các khoản tín dụng carbon và áp dụng thuế carbon trong khu vực và trên toàn cầu.
Xuất phát từ thực trạng bị ép giá và tính minh bạch của việc mua bán tín chỉ Carbon, sự ra đời của một sàn giao dịch với công nghệ tự động hóa sẽ giải quyết được những vấn đề trên. Với những sự đầu tư nghiêm túc của Nhà nước và các cá nhân, đây là bước đầu trong việc kiến tạo mối quan hệ tương hỗ cùng phát triển, đem về nhiều lợi ích cho cả bên bán và mua tín chỉ Carbon. Qua đó, giá trị của tín chỉ Carbon ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong tương lai gần.
Theo: Báo Tuổi Trẻ, Dân Việt, Thanh Niên.