Tính từ đầu năm đến hết 15/9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 242,04 tỷ USD, giảm 8,8%, tương ứng giảm 23,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022…
Đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo cũng đã đạt 5,85 triệu tấn và 3,17 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9 ( từ 1-15/9) đạt 14,29 tỷ USD, giảm 21,6% (tương ứng giảm 3,94 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 8/2023.
Kim ngạch xuất khẩu kỳ 1 tháng 9 giảm so với kỳ 2 tháng 8/2023 ở một số nhóm hàng lớn như: hàng dệt may giảm 696 triệu USD, tương ứng giảm 36,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 365 triệu USD, tương ứng giảm 12,6%; giày dép các loại giảm 302 triệu USD, tương ứng giảm 33,9%; sắt thép các loại giảm 293 triệu USD, tương ứng giảm 61,7%...
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 242.04 tỷ USD, giảm 8,8%, tương ứng giảm 23,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,06 tỷ USD, tương ứng giảm 14,3%; hàng dệt may giảm 3,8 tỷ USD, tương ứng giảm 13,8%; giày dép các loại giảm 3,18 tỷ USD, tương ứng giảm 18,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 2,95 tỷ USD, tương ứng giảm 9,3%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2,66 tỷ USD, tương ứng giảm 22,8%...
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD, xuất siêu 6,73 tỷ USD, tăng 6,4%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất siêu của nông nghiệp chiếm tỷ lệ tương đối cao trong xuất siêu của cả nền kinh tế. Năm 2022, xuất siêu của ngành nông nghiệp đạt 8,76 tỷ USD, chiếm 77,41%, đây là nguồn ngoại tệ để mua trang thiết bị công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 - 55 tỷ USD.
Đáng chú ý, hiện Việt Nam có 4 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên với trị giá 11,89 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 mặt hàng này chiếm tới 88% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Trong đó, có 3 mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất trong 10 năm, bao gồm rau quả, cà phê và gạo. Cụ thể, mặt hàng rau quả đạt 3,49 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 4,99 lần so với năm 2013 (đạt 0,7 tỷ USD).
Ngoài rau quả, tính đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo cũng đã đạt 5,85 triệu tấn và 3,17 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kỷ lục mà ngành gạo đạt được cả về sản lượng, giá trị và đơn giá xuất khẩu nhờ cơn sốt lương thực toàn cầu của năm nay và Việt Nam đã tận dụng được lợi thế.
Dự báo, thị trường gạo sẽ biến động tăng khi Indonesia vừa thông báo mở thầu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm từ các nước: Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia. Như vậy, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo đạt mức 5 triệu tấn và 3 tỷ USD chỉ trong vòng 8 tháng.
Dự kiến, năm 2023 Việt Nam chắc chắn sẽ vượt mốc 3,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2022 (là mốc cao nhất trong vòng 10 năm trở lại) và lượng xuất khẩu sẽ vượt mốc 7,1 triệu tấn của năm 2022.
Nguồn: vneconomy