Xuất khẩu nông sản sẽ gặp nhiều thách thức với quy định về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường
Xuất khẩu nông sản sẽ gặp nhiều thách thức với quy định về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường
Đăng bởi Công Ty TNHH Nguyên Liệu Nông Nghiệp Mekong MEKONG vào lúc 15/09/2023
Nông sản của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích tích cực trong xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức đối với ngành hàng này hiện vẫn còn rất lớn, khi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam…
Tại hội thảo “Đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài” ngày 14/9, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết liên tục trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số và đạt 53,2 tỷ USD trong năm 2022, tăng xấp xỉ 10% so với 2021.
THÁCH THỨC ĐÁP ỨNG CÁC TIÊU CHÍ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Năm 2023, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường đặc biệt là lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỷ USD.
Hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng trong top 3 thế giới về cà phê, lớn thứ nhất về hạt điều, lớn thứ nhất về hạt tiêu, lớn thứ ba về gạo…
8 tháng năm 2023, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng lần lượt 21,9%, 20,6% và 7,6%.
Mặc dù, các số liệu trên đều cho thấy, ngành nông sản của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích tích cực, nhưng bà Hiền cho rằng thách thức vẫn còn rất lớn, khi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Các quốc gia không chỉ điều chỉnh khung khổ pháp lý của mình với hàng loạt các luật, các quy định mới về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, mà còn lan tỏa đến cả các quốc gia khu vực khác thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và COP27.
Trên thực tế, EU là thị trường đi tiên phong trong vấn đề này với việc ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu, đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa.
Đặc biệt cuối tháng 6/2023, EU đã ban hành Quy định chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.
Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU. EU cũng nêu rõ, các nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai.
“Có thể thấy, các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các mặt hàng nông sản nếu muốn giữ vững vị thế tại những thị trường này”, bà Hiền nhận định.
CẦN XANH TỪ SẢN XUẤT, CANH TÁC
Để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, giữ vững và tiếp tục phát triển thị trường, bà Hiền cho rằng việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu. Xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.
Vì ngoài chất lượng và giá cả, khách hàng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất các yêu cầu đặt ra, trong đó có yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Theo ông Trần Minh Thắng, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết để đưa được mặt hàng nông sản, trái cây vào thị trường này. Điều này yêu cầu quá trình canh tác, trồng trọt cần tuân thủ nghiêm túc các quy định và yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cần cải thiện công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo tính đồng bộ trong quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển nhằm soát ổn định được nhiệt độ, độ ẩm lý tưởng cho trái cây.
Cho rằng việc phát triển bền vững chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn để đáp ứng nhu cầu và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm là vô cùng quan trọng hiện nay, vì vậy ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh, đây là yêu cầu cũng như xu hướng buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi.
Ngoài vai trò của doanh nghiệp, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp thực tiễn và hội nhập.
Đầu tư nguồn lực và cơ chế huy động nguồn lực cho đào tạo quản lý, giám sát, hướng dẫn hỗ trợ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm ở các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và kết nối tiêu thụ trong và ngoài nước.
Đồng thời, cập nhật qui định, thông tin phân tích thị trường, thị hiếu tiêu dùng để phát triển sản xuất ra sản phẩm phù hợp.
Triển khai các đề án phát triển vùng nguyên liệu; hệ thống logistics theo chuỗi cung ứng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản…
Cùng với đó, đổi mới công tác phổ biến, tập huấn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và kênh số kết nối thị trường và người tiêu dùng…