Giá gạo Việt Nam nhiều thời điểm cao nhất thế giới, các nước đẩy mạnh dự trữ lương thực

Đăng bởi Công Ty TNHH Nguyên Liệu Nông Nghiệp Mekong MEKONG vào lúc 23/03/2023

Bộ Công Thương cho biết, trong nhiều tháng, giá gạo 5% tấm xuất khẩu luôn ở mức cao nhất thế giới, vượt Thái Lan và Ấn Độ.

GIÁ GẠO XUẤT KHẨU TĂNG

Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn.

Dẫn số liệu từ Hải quan, ông Toản cho hay trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn. So với tháng 1/2022, giảm 29% về số lượng, nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.

Phillipines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2023 với 34,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1 năm 2023 đạt 129,3 nghìn tấn và 64,55 triệu USD, giảm 44,7% về khối lượng và giảm 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 1/2023, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Đài Loan (tăng 54,6%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Gana (giảm 86,2%).

Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong tháng 2, các chuyến hàng đến châu Phi và Malaysia giảm nhiều so với năm trước, trong khi các chuyến hàng đến Trung Quốc và Philippin lại tăng mạnh.

“Các chuyến hàng ngũ cốc từ Biển Đen vẫn tiếp tục theo một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhưng thỏa thuận đó sẽ được đàm phán lại trong tuần này và có nguy cơ xung đột Nga - Ucraina sẽ leo thang, dẫn đến chuỗi cung ứng ngũ cốc có thể bị đứt gãy trở lại. Vì vậy, dự báo nhiều thương nhân sẽ tăng mua gạo trong bối cảnh tình hình nguồn cung thế giới không chắc chắn”, ông Nguyễn Quốc Toản phân tích.

Hiện giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng đã tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm do nhu cầu mạnh ngay cả khi rủi ro nguồn cung toàn cầu vẫn còn. Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm hiện ở mức 397 - 404 USD/tấn, tăng 18 USD/tấn so với tháng trước. Nhu cầu tiêu thụ đã tăng mạnh trong vài tuần qua do giá gạo Ấn Độ thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Theo các quan chức chính phủ Ấn Độ và ngành lúa gạo của nước này, xuất khẩu năm gạo 2022 của Ấn Độ đã tăng kỷ lục bất chấp các biện pháp hạn chế của chính phủ khi người mua tiếp tục giành được các đề nghị cạnh tranh từ nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Để kiềm chế giá trong nước, Ấn Độ có kế hoạch tiếp tục cấm xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng xuất khẩu.

Tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu trong tháng 2/2023 ở mức 460 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước trong bối cảnh giao dịch trầm lắng. Các thương nhân Thái Lan cho rằng nguồn cung mới sẽ có mặt trên thị trường vào đầu tháng 3 đến tháng 4 có thể làm giá gạo suy yếu hơn nữa.

Theo Báo cáo Triển vọng Cung cầu Lúa gạo tháng 2/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022/23 dự báo đạt 503 triệu tấn (gạo xay xát), gần như không đổi so với dự báo tháng trước, nhưng ít hơn 2% so với kỷ lục năm trước và mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ niên vụ 2015/16. Sản lượng gạo toàn cầu thấp nhất kể từ niên vụ 2019/20. Trong tháng này, sản lượng gạo được dự báo tăng ở Bangladesh, Sri Lanka, Thái Lan và Uzbekistan, giảm ở Achentina, Braxin, Cuba, EU và Việt Nam.

CÁC NƯỚC ĐẨY MẠNH DỰ TRỮ LƯƠNG THỰC

Năm ngoái xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, cao nhất 10 năm. Đà tăng giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn duy trì trong hai tháng đầu năm nay, với mức bình quân hơn 519 USD một tấn. Vì thế sản lượng xuất khẩu gạo tuy giảm nhưng vẫn tăng xấp xỉ 7% về giá.

Năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ giá gạo duy trì ở mức cao vì nhu cầu tăng cao, cùng đó biên lợi nhuận của doanh nghiệp gạo cũng được mở rộng nhờ chi phí đầu vào hạ nhiệt.

Theo chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), ngành lúa gạo Việt Nam đang có yếu tố thiên thời và địa lợi. Việc thời tiết thuận lợi đang tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh.

Trong khi đó, hạn hán kéo dài tại Trung Quốc khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023.

Bên cạnh đó, lượng tồn kho tại Philipines giảm do nhiều diện tích gieo trồng của nước này bị tàn phá bởi bão Noru, chi phí phân bón tăng cao khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022-2023.

Diện tích gieo cấy tại Ấn Độ giảm 380.000 ha do hạn hán, dự kiến sản lượng của đợt gieo trồng Kharif (thu hoạch vào mùa thu và đầu mùa đông) chiếm 80% sản lượng nước này, có thể lên tới 10-12 triệu tấn cho niên vụ 2022/2023. Theo đó, sự sụt giảm nguồn cung tại Ấn Độ là tác nhân chính cho dự báo thâm hụt gạo toàn cầu năm tới.

Dự báo tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm vừa qua với mưa nhiều và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, được kỳ vọng sẽ cho ra sản lượng ổn định. Theo đó, VCBS đánh giá cao khả năng năm 2023, Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ.

Nguồn: báo VTV.vn

Tags : Giá tăng, lương thực, năm 2023, thế giới, xuất khẩu lúa gạo
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0914 911 948