Cùng với đà tăng của giá gạo, từ cuối tháng 7 đến nay giá phân bón trên thế giới và trong nước đã có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều đơn vị cung ứng phân bón đã rút lại bảng báo giá trước đây và thông báo điều chỉnh giá mới từ tháng 8.
Nguồn cung lương thực toàn cầu bị tác động bởi El Nino, chiến sự, lệnh cấm xuất khẩu
Xung đột địa chính trị thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung lúa mì cho Châu Âu, nhất là khi Nga quyết định từ bỏ Thoả thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, điều này đồng nghĩa với việc hoạt động xuất khẩu qua khu vực Biển Đen vô cùng khó khăn.
Tại Châu Á, vấn đề thời tiết cực đoan El Nino trở nên nghiệm trọng dù chỉ mới bắt đầu, thời tiết có thể rất khô hạn tại Ấn Độ, nhưng lại đang gây lũ lụt lớn tại Trung Quốc. Điều này tác động trực tiếp đến nguồn cung lúa gạo và giá cả.
Cùng với việc Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng từ ngày 20/07 và tiếp theo là các lệnh cấm xuất khẩu gạo của Nga và UAE đã tạo một cú đẩy rất lớn cho giá gạo.
Ngay đầu tháng 8, chúng ta đã chứng kiến mức giá xuất khẩu gạo vượt 600 USD và điều này chưa dừng lại, tại ruộng, giá lúa tăng mỗi ngày 50-100đ/kg.
Nhu cầu và giá phân bón thế giới tăng trở lại
Giá lương thực tăng khiến các quốc gia có nền nông nghiệp mạnh tăng sản lượng trồng trọt ngay lập tức. Brazil và Ấn Độ nhập liên tục Urea, DAP, MAP, Kali, Trung Quốc thì mặc dù hiện tại là nghịch mùa, nhưng họ vẫn sẵn sàng trồng mới và chấp nhận trồng lại nếu điều kiện thời tiết bất lợi.
Phân bón trên thế giới sau chuỗi giảm giá kéo dài từ nửa sau 2022 đã bắt đầu đà hồi phục mạnh và song hành với đà tăng của giá lương thực toàn cầu.
Giá Urea Trung Đông/Trung Quốc từ 280 USD FOB (Free on board, giá tại cửa khẩu của người bán - PV) vào giữa tháng 6 đã tăng vọt lên 430 USD FOB vào cuối tháng 7.
Giá DAP TQ vào giữa tháng 7 có giá 430 USD FOB thì đầu tháng 8 đã có giá 550 USD FOB. Giá Kali cũng bắt đầu tăng 20-50 USD USD tuỳ loại.
Giá phân bón trong nước không ngừng “nhảy múa”
Theo số liệu của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, các địa phương đều đẩy mạnh tiến độ gieo sạ vụ Mùa và vụ Thu Đông với diện tích dự kiến tăng 50000 ha so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhu cầu sử dụng phân bón trong nước cũng tăng nhanh.
- Giá Urea hạt đục nội tăng từ 9.000 vào cuối tháng 6 lên trên 11.000 vào đầu tháng 8.
- Giá DAP 64 tăng từ 13.000 lên 15.000 chỉ trong vòng vài tuần trở lại đây.
- Giá Kali, có loại đã tăng gần 1000/kg.
Ông Lê Trọng Phúc, Tổng Giám đốc CTCP Hóa chất và Công nghệ Hà Nội nhận định khi vào cao điểm mùa vụ tháng 9 và tháng 10, ở phía Bắc sẽ bước vào vụ Đông và vụ Chiêm Xuân – là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm, nhu cầu phân bón sẽ tăng cao. Khi đó, giá phân bón sẽ có xu hướng tiếp tục tăng cao.
Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacam (Vinacam) cho biết: Tình hình xáo động của thị trường như trên đang là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các nhà sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước. Một mùa đông đang đến, giá dầu, giá khí tự nhiên, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón toàn thế giới đều tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại, điều này sẽ khiến tăng chi phí sản xuất.
Thêm vào đó, việc tồn kho phân bón thấp đang ở quy mô toàn cầu, vì vậy, theo góc nhìn của Vinacam, đây sẽ là đợt tăng giá kéo dài vì không thấy bất cứ một tín hiệu tích cực nào để phân bón giảm trong ngắn hạn./.
Nguồn: tổng hợp